Suy nghi sau mot buoi hop cha me hoc sinh

 

Suy nghĩ sau một buổi họp cha mẹ học sinh

 Hôm nay chủ nhật (20/01/2013), đứa cháu gọi lão bằng ông nội nhờ lão đi  họp cha mẹ học sinh. Bố cháu lên ca làm, mẹ cháu chạy chợ kiếm tiền chi tiêu trong dịp Tết.

Học kỳ I đã xong, nhà trường giao cho các giáo viên chủ nhiệm lớp triệu tập các bậc cha mẹ để thông báo kết quả học tập của từng học sinh, đồng thời thông báo một số việc liên quan giữa nhà trường, thầy cô giáo, học sinh và cha mẹ học sinh.

Cháu của lão được nhà trường xếp loại giỏi và có tên trong danh sách học sinh được nhà trường “dạy bồi” để cuối năm học tranh giải cấp thành phố.

Vì vậy, lão phải dự liên tiếp 2 phần họp:

 Phần thứ nhất với cô giáo chủ nhiệm lớp. Cô giáo đánh giá học lực, hạnh kiểm từng học sinh, nhắc nhở các bậc cha mẹ đóng góp đủ các khoản nhà trường đã thông báo đầu năm học, kêu gọi các bậc cha mẹ phối hợp với giáo viên trong việc theo dõi học tập và hạnh kiểm của học sinh.

Kể ra vai trò chủ nhiệm lớp cũng nhiều việc; cô giáo tỏ ra hết lòng với sự nghiệp trồng người.

Tuy nhiên lão có suy nghĩ như thế này: Giá như việc thu các khoản đóng góp của học sinh giao về phần hành của nhân viên văn phòng nhà trường – kế toán chẳng hạn – thì hay hơn giao cho giáo viên chủ nhiệm. Cô giáo đòi tiền học sinh thì uy tín bị giảm, ảnh hưởng không tốt đến việc dạy dỗ. Nhiều học sinh, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa có tiền nộp, ngày nào cũng bị giáo viên nhắc nhở, các học sinh ấy khó tập trung tinh thần vào việc học tập trong lớp và hành vi của giáo viên sẽ tạo thành một ấn tượng không đẹp trong tâm trí non nớt của học sinh. Và nếu trường chưa có nhân viên văn phòng, giáo viên nên tìm gặp cha mẹ học sinh để thu tiền. Đừng để thầy và trò đối diện trực tiếp với nhau qua vấn đề tiền bạc.

 Phần thứ hai với đại diện ban giám hiệu và đại diện hội cha mẹ học sinh. Đầu tiên, bà hiệu trưởng báo cáo thành tích tranh giải của học sinh giỏi nhà trường ở cấp thành phố trong mấy năm qua. Thành tích ấy chỉ ở mức trung bình – có năm toàn đội xếp vị thứ 5 trên 9 trường, có năm xếp vị thứ 6. Bà hiệu trưởng cho biết, để nâng cao thành tích, năm nay tổ chức bồi dưỡng ngay từ đầu năm; nhà trường chọn những học sinh giỏi ở các môn, “dạy bồi” mỗi tuần thêm 2 buổi, không biết mỗi buổi học kéo dài bao nhiêu tiết; bà hiệu trưởng đưa ra ý kiến ngoài # 50.000 đồng nhà nước trả cho giáo viên mỗi tiết, cha mẹ cần trợ cấp thêm cho giáo viên “dạy bồi”; do đó, mỗi học sinh “học bồi” phải nộp mỗi tháng 100,000 đồng; đó là việc bình thường, đúng với chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước; vì sao phải trợ cấp? Bà hiệu trưởng cho biết bà từng là giáo viên “dạy bồi” và để lên lớp một buổi dạy, bà phải soạn giáo án mất 2 hoặc 3 buổi. Vị đại diện hội cha mẹ học sinh đứng dậy ngẩng mặt về phía ban giám hiệu nhất trí với đề xuất của bà hiệu trưởng và xoay mặt về phía cha mẹ học sinh kêu gọi sốt sắng đóng góp để cải thiện việc học tập của học sinh. Hình như hội cha mẹ học sinh được nhà trường cơ cấu sao để có cùng tiếng nói với ban giám hiệu nhà trường chứ không phải được lập ra để nắm bắt hoàn cảnh người dân địa phương có con em đi học nhằm bàn thảo các khoản đóng góp cho hợp lý. Ở quê lão, nói chung, dân nghèo lắm; mức thu nhập rất thấp; ruộng đất ít, nghề nghiệp ít, sinh sống qua ngày bằng buôn thúng bán mẹt chạy chợ chạy đò; cộng thêm, gia đình nào cũng đông con, tiền mẫu giáo, tiền tiểu học, tiền trung học mỗi đứa cũng khoảng 2,000,000 mỗi năm; những gia đình có con đi học đại học xa phải tiêu tốn nhiều hơn gấp bội.

Có con học giỏi là hạnh phúc nhưng bây giờ phải gánh thêm mỗi năm khoảng 1,000,000 đồng nữa; khổ lắm! Biết than thở cùng ai! Cứ ngồi im lặng mà im lặng được hiểu nhầm là nhất trí.

Lão thấy việc thu tiền học bồi của học sinh để phụ cấp cho giáo viên là không hợp lý. Vì sao? Lão xin giải thích như sau:

Nghề dạy học là nghề cao quý và do người giáo viên tự nguyện chọn chứ không ai bắt buộc; lấy cớ nghề này thu nhập ít để buộc học sinh nộp tiền phụ cấp là vô lý. Mà thật ra theo mặt bằng lương bổng hiện thời, thu nhập của giáo viên thuộc mức trung bình, chứ không phải tệ lắm. Trong tình trạng việc ít người đông, ai có được nghề sinh sống đàng hoàng như nghề dạy học cũng hạnh phúc lắm rồi.

Còn “dạy bồi” so với dạy “đại trà” vẫn ít nhọc hơn; ở “lớp bồi”, học sinh ít mà lại thông minh, khả năng tiếp thu nhanh, giáo viên giảng bài đến đâu học sinh hiểu đến đấy, giáo viên phấn khởi trong công việc; ở lớp “đại trà”, học sinh đông hơn, trình độ lại không đều, việc dạy của giáo viên dùng dằng dễ nản, dễ mệt. Giáo viên nào phải soạn bài 2, 3 buổi trước khi lên “lớp bồi” thì giáo viên ấy chưa đủ sức dạy “lớp bồi”, ban giám hiệu chọn họ là sai.

Thời gian đứng lớp của giáo viên “bồi” và giáo viên “đại trà” ngang nhau (giáo viên trung học cơ sở mỗi tuần 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông 17 tiết). Giáo viên “dạy bồi” lại được ưu tiên trong khen thưởng và được kính nể vì xem như thành phần ưu tú. “Có tiếng chứ đâu cần miếng”.

Giáo viên “dạy bồi” hay “dạy đại trà”, ngoài lương nhà nước, không ai phàn nàn gì về mức thu nhập. Thu tiền cha mẹ học sinh để trợ cấp thêm cho giáo viên là sáng kiến (!!!) của ban giám hiệu và hội cha mẹ học sinh.

 Đành rằng nghề gì cũng là nghề làm ăn, ai cũng mong thu nhập càng nhiều tiền càng tốt, nhưng đã chon nghề dạy học phải nghĩ đến sự cống hiến, nghĩ đến cái hậu. Trên đường đời, nhiều học sinh – dù 50, 60 năm xa cách – vẫn nhớ về thầy, đó là cái hậu của người giáo viên. Chưa nói đến tiếng thơm của những bậc đã trở thành “vạn thế sư”./.

20/01/2013

7 responses to “Suy nghi sau mot buoi hop cha me hoc sinh

  1. Nguyễn Thanh Bá

    Thưa thầy Đằng, em là GV củ và mới, suy nghĩ của thầy là cũ, suy nghĩ của đồng nghiệp thầy hiên tại là mới. thời kinh tế thị trường, mãnh đất ruộng là của nông dân, đường giao thông là ruộng tốt của mấy ông CSGT, học trò là nhất đẳng điền của thầy cô giáo thời hiện đại. Ai mà năng CẦY XỚI ắt sẽ được mùa BỘI THU. Kính chào thầy.

  2. Thưa thầy !
    Em cũng có thời gian đi dạy , từ năm 1978 đến 1984 ,hồi đó đông luơng tuy rât it ỏi nhưng nhóm giáo viên chúng em vẫn giữ đuơc cái TÂM của nguời thầy giáo đúng nghĩa , tuy nhiên vẫn còn có những thiếu sót những hiên tuợng nhưa tôt của một số it gv: thiếu quan tâm đén gia cảnh của học sinh ,nhát là HS nghèo !!! mà chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của mình … thât đáng tiếc !!!
    Những suy nghĩ , những ý kiến của thầy như trên là quá hay , Theo em ,bài này thầy có thể gửi đăng báo giáo dục hay báo tuổi trẻ …cũng đuơc, vì em nghĩ đây cũng là suy nghĩ là tiếng nói chung của nhiều nguời .
    Ai cũng muốn mọi nguời ngày càng tốt đẹp thêm
    lên !!! phải không thưa thầy
    Em xin chào thầy

  3. Chung ta co gang ban thao them van de nay de tao dung cho the he sau cua xu minh duoc co co hoi hoc hanh cho thanh dat nhat la nhung hoc sinh ngheo ma co chi lon.. Giao duc la can ban cot yeu de thanh dat trong su song…HnChau va Bha da co y kien so luoc tu lau ve y huong cua Truongdongha.com. Dan mien Trung hoc gioi nhung khong co co hoi nhieu doi voi vung khac vi dat can soi da, nhung van de ngheo khong the chan dung co hoi tien len cua the he sau.
    Chao cac ban.
    NT

  4. Kính thầy!
    Việc Thầy đề nghị nhà trường thu các khoản tiền đóng góp của hoc sinh để nhân viên văn phòng thu là rất đúng.Trong buổi họp phụ huynh ấy Thầy đề nghị điều này thì hay biết bao.
    Còn việc tuyển chọn học sinh giỏi vào đội bồi và công việc giảng dạy cho đội tuyển này là quan trọng nhất.Phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi là mũi nhọn không thể thiếu trong nhà Trường.
    Học sinh nào không qua lớp bồi dưỡng mà đi thi học sinh giỏi thì chắc chắn là không bao giờ đạt giải.Vì kiến thức của chương trình này là kiến thức nâng cao.
    Còn khoản trợ cấp cho giáo viên dạy bồi dưỡng là tự nguyện thôi.Nhà trường sẽ giảm hoặc miễn khoản tiền này cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
    Nhưng em thấy có nhiều học sinh không tiếp tục học “bồi” (vì mặc cảm).Em đã từng rất thương và tiếc cho những học trò này.
    Được tuyển chọn vào đội bồi là niềm tự hào của học sinh và phụ huynh đó Thầy ạ.

  5. Kính chào Thầy.
    Trước hết em chúc mừng Thầy, có cháu Nội Học giỏi. 
    Em đọc xong bài viết của Thầy,em thấy học sinh ở quê nhà ,về vấn đề Học tội quá.
    Em đồng ý với lời đề nghị của các bạn,và như lời Anh Bá nói đó.( nói tới thì hơi đụng chạm )
    Trái ngược với bên này,về vấn đề ” Học Đường”được ưu tiên cao.
    Học sinh ( Học thì lo Học cho giỏi ) 
    Cô giáo ( dạy thì lo dạy cho hay ) 
    Thu tiền ( thì có thư ký hỏi thăm )
    Đông xin chào Thầy và các bạn.

  6. Nguyễn Đức Trực

    Thầy kính!

    Không chỉ riêng thầy mới có suy nghĩ như thế đâu!

    Đề tài này đã cũ rích vì người ta nói từ lâu lâm rồi; nhưng bao giờ cũng mới, bởi năm nào cũng nhắc đi nhắc lại thành một điệp khúc!

    Đúng là “Biết rồi, khổ quá, nói mãi!”.

    Tác giả Lê Đăng đã có bài VẪN “NÓNG” CHUYỆN LẠM THU đăng tải trên tạp chí Giáo dục và Thời đại ra ngày thứ sáu 25/01/ 2013:

    “…..
    Thực tế các khoản thu, số tiền qũy Hội phụ huyng đang “leo thang” ở rất nhiều trường. Hoạt động của Hội phụ huynh đầu năm đưa ra một khoản đóng góp, cuối học kỳ, cuối năm học thì phát cho tất cả các phụ huynh trong lớp một tờ chi tiêu tổng hợp. Ngoài Ban phụ huynh lớp ra, các phụ huyng khác không ai kiểm chứng được các khoản thu, chi đó có chính xác không.

    Không ít phụ huynh bức xúc vì Hội phụ huynh đang đi chệch hướng, làm sai chức năng, thái quá trong việc đứng ra thu, chi nhiều khoản vô lý. Nhiều người đã không ngần ngại đặt câu hỏi, có phải Hội phụ huynh là “cánh tay nối dài” của Ban giám hiệu nhà trường?

    ……………
    …Trên thực tế, nhiều trường đã vi phạm điều lệ khi thu cả quỹ phụ huynh lớp và trường. Bộ GD-ĐT đã quy định rõ không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. nghĩa là thu trên nguyên tắc “tự nguyện”, nhưng thực tế hầu như các trường đều dội barem sẵn từ trên xuống cho phụ huynh. Rõ ràng trong trường hợp này Hội phụ huyng đang khoác gánh nặng trên vai bao nhiêu phụ huynh khác và làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục”.

  7. Viết bất cứ gì cũng mong được nhiều người đọc và mỗi lời, mỗi bài viết ra đều có mang thông điệp. Những gì – theo ý lão – chưa tốt, chưa đẹp, chưa tử tế,lão không chỉ trích hay dùng lý sự để mổ xẻ, lão chỉ dùng tâm tư tình cảm để kích thích sự suy nghĩ của người đọc.
    Mỗi người có một quan niệm riêng về cuộc sống, cũng như mỗi người có một nét mặt riêng. Nói lên quan niệm sống của mình cho người khác biết là một cách trút xả nỗi lòng, thế thôi! Đồng cảm hay không là tùy mỗi người đọc.

Leave a reply to Đông Nguyễn Cancel reply